Vào cái ngày đầu tháng 10 năm 2019 đầy ghi nhớ ấy, một bí ẩn của lịch sử dân tộc đã hé lộ tại vùng đất vốn đã dung dị, chìm lãng qua bao mùa mưa nắng. Tin vui phát lộ bãi cọc Cao Quỳ ở vùng đất linh thiêng Bạch Đằng giang làm Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng nức lòng. Phải chăng đây là dấu hiệu tốt đẹp - là điềm lành thông báo về một thời kỳ phát triển mới của thành phố - nơi vốn là một dải "phên dậu" vùng biển nước nhà, đã ghi biết bao sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc Lạc Việt.
Kỳ 1: Món quà lịch sử ban tặng
Vào cái ngày lịch sử ấy, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), anh nông dân Nguyễn Văn Triệu đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt đất chừng 0,5- 0,7 m. Trước đó, trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía bắc - tây bắc khu vườn cau, người dân địa phương cũng đã loan tin là gặp thấy những cọc gỗ lớn. Thế là, những cán bộ văn hóa huyện Thủy Nguyên và Bảo tàng thành phố Hải Phòng- với ý thức cao với lịch sử cội nguồn dân tộc, đã tới ngay hiện trường sắn tay vào việc. Các nhà khoa học khảo cổ Trung ương và các bậc thầy trong chuyên ngành khoa học tự nhiên- xã hội của Quốc gia cũng hối hả tìm về vùng đất Cao Quỳ, thuộc xã Liên Khê, huyệnThủy Nguyên (Hải Phòng) để sớm làm rõ sự kiện bất ngờ quý giá và hiếm có này. Lúc này, trong dư luận xã hội, không ít người đã cho rằng đây dường như là một món quà mà tổ tiên hiển linh, ban tặng cho Hải Phòng.
Theo sử sách để lại, xã Liên Khê vốn là nơi có lịch sử hình thành lâu đời, có nền văn hoá mang nét đặc sắc riêng của vùng đất ven sông Bạch Đằng. Từ rất sớm, đặc biệt thời kỳ văn hoá Đông Sơn, con người đã đến đây sinh sống. Cũng nơi đây, ngành khảo cổ nước ta phát hiện được một số hiện vật quý, như trống đồng, rìu đồng, lưỡi mai đồng, đục sắt trên núi Trọi (thôn Mai Động); mộ thuyền ở Đượng Ruối, ở chân núi Thành Dền, thôn Thiểm Khê; mộ gạch ở núi Điệu Tú... Năm 2015, trong đợt khảo sát di sản văn hoá tại các thôn, làng ở xã Liên Khê, nhóm cán bộ Bảo tàng Hải Phòng đã phát hiện và sưu tầm được nhiều hiện vật như đồ gốm, đồ đồng (rìu đồng, mũi tên đồng, trống đồng, tiền đồng), có niên đại trải dài từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XVIII-XIX. Điều đó minh chứng rằng đây là vùng đất có bề dày lịch sử và giàu di sản lịch sử- văn hóa.
Do vậy, khi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ, nhiều người đã tự hỏi: Phải chăng sự kiện lịch sử oai hùng được ghi lại trong sử sách đó, dường như đã đến lúc được chứng minh bằng các hiện vật vừa phát lộ chăng?... Vì thế, ngày 16/10/2019, đoàn cán bộ khoa học, gồm: TS. Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam - Trưởng đoàn), TS. Nguyễn Văn Anh (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), CN. Đinh Thị Thanh Nga (Viện Khảo cổ học) đã tiến hành khảo sát hiện trường. Cùng đi có một số cán bộ Bảo tàng thành phố, phòng Văn hóa- Thông tin huyện Thủy Nguyên ,Hải Phòng và lãnh đạo xã Liên Khê.
Kết quả khảo sát khu vực cánh đồng Cao Quỳ cho thấy đây là một doi đất cao, mà mũi đất có thể thuộc khu vực phía bắc khu Mả Dài.. Về phía tây bắc của mũi đất, xưa kia có thể là phần ven bờ của dòng sông Bạch Đằng. Về phía đông bắc của mũi đất, xưa kia có thể giáp với bờ của dòng nước mở vào khu vực xã Liên Khê. Từ các lát cắt kiểm tra địa tầng cùng với đặc điểm loại hình các cọc gỗ phát hiện được, các nhà nghiên cứu đã đặc biệt lưu tâm về khu di tích này.
Được biết từ đầu tháng 11/2019, trong quá trình cải tạo vườn chuối và nghĩa trang Mả Dài, cánh đồng Cao Quỳ, chính quyền xã Liên Khê đã phát hiện được 9 đầu cọc. Nhằm tiếp tục tìm hiểu quy mô, đặc điểm, công năng của bãi cọc cánh đồng Cao Qùy, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch theo Quyết định số 4137 ngày 22/11/2019, Viện Khảo cổ học cùng với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tiến hành khai quật di tích bãi cọc Cao Qùy, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng lần thứ hai trong các ngày 8-9/11/2019.
Kết quả khảo sát lần thứ nhất cho thấy các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Đường kính cọc thường khá lớn 26-46cm, 1 cọc đường kính 14cm; 4 cọc nằm nghiêng theo các hướng tây, nam. Dựa vào địa tầng của MC7, MC8, Đoàn công tác nhận định khu vực xuất lộ cọc vốn là bờ sông đã bị bồi lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua lớp sét vàng trắng loang lổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo. Đối với cọc to hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển.
Đáng chú ý là kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện được lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1.270-1.430AD (Phiếu số 1429, Viện Khảo cổ học).
Kết hợp các nguồn tư liệu nói trên, Đoàn công tác cho rằng các cọc được đóng/chôn trong khu vực bãi bồi ven sông, phân bố không thẳng hàng và có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII. Tuy nhiên các cọc này có đường kính lớn, chân cọc không được đẽo nhọn, cách thức phân bố khác với các cọc được phát hiện tại di tích Yên Giang, Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối (Quảng Yên, Quảng Ninh), nên chức năng của các cọc này có thể không giống với các bãi cọc trên. Có thể chúng được tạo ra với mục đích làm chiến tuyến ngăn chặn thuyền lớn?
Vùng đất Liên Khê cũng là nơi chứng kiến những trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc. Cuối thế kỷ XIII, tổng Trúc Động là căn cứ thủy quân lớn của nhà Trần. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã về đây lập căn cứ chỉ huy trận chiến Bạch Đằng đánh quân Nguyên-Mông. Đây cũng là nơi diễn ra trận Trúc Động oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Sách Đồng Khánh địa dư chí trong mục Đền miếu chép: “Đền thờ Trần Hưng Đạo vương ở xã Thụ Khê. Dân bản xã phụng thờ. Ngày trước, khi đại vương đi đánh Ô Mã Nhi, cho quân dừng lại đóng đồn ở núi Thụ Khê, sau khi phá tan quân giặc, vương có để lại ở đó một thanh kiếm. Người trong làng lập đền thờ phụng (nay vẫn gọi là đền Thụ Khê, hiện còn chữ Hán đắp trên cổng đền ghi lại sự tích đó bằng việc lấy tên là đền Lưu Kiếm).
Ảnh 1: Bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ (Báo Tài nguyên Môi trường) + Ảnh 2: Những tấm Bia cổ tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương (Báo Tài nguyên Môi trường)
Nhận xét
Đăng nhận xét