Chuyển đến nội dung chính

LẠI CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC CŨ

Như thường lệ mỗi khi Việt Nam có sự kiện lớn diễn ra, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lại tung ra những luận điệu xuyên tạc hòng làm lung lạc nhận thức và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; cố tình tạo “diễn biến” tình hình với thông tin sai lệch và hình ảnh tiêu cực về Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Xuyên tạc Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII) là một thủ đoạn lưu manh chính trị như vậy.


Hội nghị Trung ương 8, (khóa XII) là thời điểm thực hiện chương trình công tác toàn khóa, đồng thời Đảng có những quyết sách quan trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn. Lợi dụng thời điểm này, các thế lực thù địch tung lên những luận điệu nhằm xuyên tạc hướng vào nhiều vấn đề để công kích. Song dù là trực diện tấn công hay thủ thuật “bồi bút chính trị” khéo léo, thì người ta cũng nhận diện được mục tiêu cuối cùng của chúng là “diễn biến”, đấu tranh, xuyên tạc bản chất cách mạng của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, thể hiện ở các vấn đề sau đây:
Một là, Chúng cố gắng lập luận, quy kết, cho rằng việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ cương vị Chủ tịch nước, là tạo lập vị trí của Đảng đứng trên Hiến pháp, Đảng đang “tham nhũng” quyền lãnh đạo, chuyên quyền, độc đoán.
Thực tế ở nước ta, đã có những giai đoạn cách mạng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đồng thời là người đứng đầu Nhà nước (Chủ tịch Hồ Chí Minh từng là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước). Nhìn rộng ra thế giới, người đứng đầu đảng cầm quyền cũng là người đứng đầu Chính phủ hoặc là nguyên thủ quốc gia hoặc cả hai. Vì vậy, đây không phải là vấn đề mới, đồng thời cũng được Đảng đề cập và đang tổ chức thử nghiệm ở chính quyền cơ sở. Do đó, kết quả Hội nghị Trung ương 8, Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là phù hợp quy định và điều lệ Đảng,quy định của Hiến pháp và quan trọng hơn đây là chủ trương phù hợp nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Là một đảng chân chính, ngoài lợi ích của dân tộc và nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác. Với chân lý như vậy, Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao giông tố, thác ghềnh cập bến vinh quang, đưa dân tộc Việt Nam tới những thắng lợi hiển hách, thống nhất non sông đất nước, mang lại độc lập cho dân tộc, cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Cách mạng Việt Nam đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ các dân tộc trên thế giới đấu tranh cho hòa bình, tiến bộ, lương tri và phẩm giá con người.
Quá trình lãnh đạo, đấu tranh cách mạng như vậy, “với tất cả tinh thần và khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại” (Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tập 10, tr.2) thì không thể nói Đảng đứng trên Hiến pháp.
Bên cạnh đó, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hiến pháp năm 2013, Điều 4).
Với bản chất cách mạng của Đảng và cơ sở như vậy thì luận điệu “Đảng đứng trên Hiến pháp, tham nhũng quyền lãnh đạo, độc đảng là chuyên quyền, độc đoán” là không có cơ sở khoa học cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Rõ ràng, sự xuyên tạc này nhằm mục đích phá hoại sự ổn định của hệ thống chính trị mà động cơ là từng bước nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với thủ đoạn tinh vi, thâm độc.
Hai là, Đấu tranh đòi đổi mới thể chế chính trị Việt Nam theo hướng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, mục đích là mở đường cho việc hình thành, hoạt động của các tổ chức chính trị đối lập.
Cũng với mục tiêu phá hoại, chúng đưa ra mỹ từ “đây là thời cơ thuận lợi để đổi mới chính trị” bằng cách thực hiện thể chế đa nguyên, đa đảng. Trước hết, cần thấy rằng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nằm trong âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” mà mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ chính trị, hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường khác.
Chính vì lẽ đó, để chống phá cách mạng, ngăn chặn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch tìm mọi cách tấn công vào thể chế chính trị. Đòi “tự do hoá” chính trị, phải thực hiện xóa bỏ ngay Điều 4 của Hiến pháp. Thực chất là, tạo điều kiện, tiền đề cho việc ra đời và công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước, từ đó cạnh tranh vai trò lãnh đạo và tiến tới thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quản lý của Nhà nước.
Ba là, xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, cổ vũ, đấu tranh cho mô hình “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự” để hạ thấp vai trò, tiến tới thay đổi bản chất, lật đổ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là nội dung luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy làm nguyên tắc với quan điểm nhất quán trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền là sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu thế chung, phổ biến của lịch sử phát triển xã hội trong thế giới hiện đại. Nhà nước pháp quyền XHCN được hình thành là một bước tiến lớn, đánh dấu trình độ phát triển trong lịch sử nhà nước từ lý luận đến mô hình tổ chức nhà nước trong thực tiễn.
Hiến pháp 2013 khẳng định: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hiến pháp 2013, Điều 2). Do đó, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền ở Việt Nam được thực hiện trên nguyên tắc “Quyền lực Nhà nước là thống nhất” dựa trên cơ sở “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”.
Trong điều kiện chế độ chính trị ở Việt Nam “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thì các tổ chức ra đời, hoạt động phải tuân thủ thể chế ấy, lợi ích của thành viên phù hợp với lợi ích của quốc gia dân tộc, không thể lấy “xã hội dân sự” làm cái cớ để đấu tranh, tập hợp lực lượng, thành lập tổ chức để chống đối, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và dân tộc như một số tổ chức phản động bị phát hiện, bóc trần vừa qua.
Chế độ chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn của lịch sử và nhân dân Việt Nam. Thực tiễn cách mạng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khẳng định: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa mang tính nguyên tắc, vừa là điều kiện để đưa lại ấm no, tự do, hanh phúc cho nhân dân, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá: “Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng TƯ Đảng, Hà Nội, 2016, tr.65-66). Có được những thành tựu trên đây là do Đảng có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ trong một thể chế chính trị thống nhất và tiến bộ.


Các thế lực thù địch đang rốt ráo tuyên truyền, hoạt động phá hoại với phương thức, thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt. Trong điều kiện bùng nổ thông tin, nhận diện đúng, kịp thời ngăn chặn, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng Đảng cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH hiện nay.
TC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LỢI DỤNG GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII ĐỂ KÍCH ĐỘNG CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

  Trong khi đông đảo các tầng lớp nhân dân đang có những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng thì vẫn còn một số người cố tình lợi dụng việc đóng góp ý kiến để xuyên tạc, tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch. Vì vậy, việc nhận diện một cách đầy đủ âm mưu, ý đồ, thủ đoạn của các đối tượng từ đó chủ động triển khai các công tác, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn là rất cần thiết khi Đại hội XIII của Đảng đang đến gần. Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159-TB của Bộ Chính trị về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Đại hội Đảng bộ các cấp, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vừa qua, bốn dự thảo văn kiện Đại hội XIII (gồm Dự thảo báo cáo chính trị; Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lượ...

CẢNH GIÁC TRƯỚC HOẠT ĐỘNG LỢI DỤNG LŨ LỤT Ở MIỀN TRUNG CHỐNG ĐỐI CHÍNH QUYỀN CỦA MỘT SỐ LINH MỤC

   Lợi dụng tình hình lũ lụt tại miền Trung thời gian qua, số linh mục cực đoan trong Công giáo ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã tuyên truyền, xuyên tạc cho rằng, tình trạng sạt lở đất, mưa lũ tại miền Trung vừa qua là do “nhân tai” gây ra; vu khống chính quyền “thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của người dân”; chưa dừng lại, số linh mục này còn kêu gọi giáo dân tụ tập biểu tình, phản đối chính quyền, đòi hủy bỏ  Đại hội XIII của Đảng. Một số linh mục kích động người dân biểu tình lợi dụng lũ lụt ở miền Trung Trong bối cảnh lũ lụt xảy ra, đáng lẽ cần chia sẻ, động viên, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn, thì một số người lại tảng lờ hiện tượng thời tiết cực đoan để lên mạng bình luận khiến người mơ hồ ngộ nhận thiệt hại chỉ có ở Việt Nam, và tất cả là do chính quyền! Một số người khác “mượn gió bẻ măng” hô hào luận điệu mị dân; vu cáo chính quyền cản trở hoạt động từ thiện; vu khống Đảng, Nhà nước, Chính phủ thiếu trách nhiệm với dân, lãnh ...

Công an Hải Phòng kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, không có vùng cấm, không bao che

  Theo nguồn tin từ Công an thành phố Hải Phòng, liên quan đến vụ việc Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bốn cán bộ Công an quận Đồ Sơn (trong đó bắt tạm giam ba cán bộ) để điều tra về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng khẳng định, kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, thoái hóa biến chất, không giữ được bản lĩnh và phẩm giá của người cán bộ Công an; trên tinh thần bất kể người đó là ai, không có vùng cấm, không bao che cho cán bộ. Công an thành phố Hải Phòng căn cứ trình tự điều tra của Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với cán bộ sai phạm. Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP Hải Phòng Cụ thể, Công an thành phố Hải Phòng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp; Trung t...