BỘ CÔNG AN: BỎ SỔ HỘ KHẨU SẼ TIẾT KIỆM 1.600 TỈ ĐỒNG/NĂM
Ngày 17-10, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng.
Trong số bốn chính sách được xác định đánh giá tác động, đáng chú ý có việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Giữ sổ hộ khẩu sẽ tốn kém, lãng phí
Bộ Công an đưa ra hai giải pháp để quản lý dân cư. Thứ nhất là giữ nguyên các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú. Thứ hai là thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Với giải pháp thứ nhất, Bộ Công an cho rằng sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân, trong đó có quy định phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.
Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình gây tốn kém, lãng phí.
Cùng với đó, Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu… dẫn tới bộ máy hành chính cồng kềnh, khối lượng hồ sơ giấy tờ lưu trữ là rất lớn, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc quản lý, bảo quản.
Bỏ sổ hộ khẩu “lợi đủ đường”
Còn với giải pháp thứ hai, Bộ Công an đánh giá là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay khi tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư khiến cho việc kết nối thông tin giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quản lý dân cư được thuận lợi hơn rất nhiều so với việc quản lý bằng phương thức thủ công.
Theo đó, việc sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí. Hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh.
Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.
Tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Ngoài ra, sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).
Thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Năm 2020 có thể quản lý bằng số định danh
Bộ Công an cho rằng giải pháp quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân (giải pháp 2) để thay thế sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Yêu cầu về chuẩn hóa một mã số để cấp cho mỗi công dân và điện tử hóa các thông tin về công dân là nhu cầu tất yếu trong công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Số định danh cá nhân là gì?
Số định danh cá nhân gồm 12 số chứa mã giới tính, mã năm sinh, mã quê quán công dân, sau này được sử dụng để quản lý dân cư thay sổ hộ khẩu.
Hiện, việc xây dựng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được những kết quả bước đầu như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 địa phương thông qua cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh...
Bên cạnh đó, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu. Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí, rút ngắn thời gian xây dự
“Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi”, dự thảo báo cáo nêu.
Nguồn: Tổng hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét