Vụ tai nạn giao thông do một chiếc xe sang hiệu Range Rover gây ra tại Hà Nội hôm 7/12/2018 không khác hàng nghìn vụ tai nạn xảy ra hàng năm trên cả nước nhưng lại đang được dư luận quan tâm bởi việc xác định chính xác thủ phạm là ai, liệu có thế lực nào che được công lý?
Như báo Tin tức đã đưa, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 7/12, chị Trần Lê M.T (sinh năm 1999, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội, hiện là sinh viên năm thứ 2 một trường đại học) điều khiển xe máy lưu thông trên phố Bà Triệu, hướng về Đại Cồ Việt. Khi chị T đi đến ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, bất ngờ một xe ô tô Range Rover vượt đèn đỏ, đâm thẳng vào xe máy của chị T. Cú đâm mạnh khiến chị T văng xuống đường, bị dập não trước, gẫy lìa đùi trái, dập chân phải và bị đa chấn thương toàn thân, hiện vẫn đang điều trị tích cực tại bệnh viện. Sau khi gây tai nạn, lái xe đã bỏ chạy.
Qua trích xuất camera, lấy lời khai nhân chứng, thu thập những mảnh vỡ của xe Range Rover rơi lại hiện trường, lực lượng điều tra đã xác định được xe gây tai nạn mang BKS 30A – 279.99 và lần theo manh mối, bắt được lái xe đang lẩn trốn tại tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau đó, lái xe Range Rover đã được di lý về Hà Nội và đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra. Danh tính lái xe Range Rover được xác định là Nguyễn Mạnh H. (sinh năm 1990, trú tại Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang).
Tuy nhiên, đại diện gia đình nạn nhân đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu đáng ngờ và nhận định: "Nguyễn Mạnh H. không phải là lái xe Range Rover BKS 30A – 279.99 tại thời điểm gây tai nạn, mà chỉ là lái xe “đóng thế” nhận tội thay". Gia đình nạn nhân cũng đã có đơn thư đề nghị cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm.
Sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng điều khiến dư luận quan tâm là liệu nghi ngờ của gia đình nạn nhân có chính xác. Một vụ án vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ xét trên bình diện chung thì cũng chỉ là một vụ án nhỏ so với nhiều loại tội hình sự khác. Bởi vậy, dư luận quan tâm đến vụ việc này có lẽ chính là ở việc thực thi công lý theo nguyên tắc đúng người đúng tội có bị bẻ cong bởi tiền bạc hay một thế lực nào đó? Thời đại này liệu có thể dùng tiền mua “người đóng thế” để ngồi tù thay?
Ở hàng loạt vụ án nổi đình nổi đám vừa bị khởi tố, xét xử vừa qua, chúng ta đã thấy công lý được thực thi với bất kỳ ai, dù đã từng giữ cương vị nào hay nhiều tiền bạc cỡ “đếm cả ngày mới hết”. Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa bị xử tù vì đã “một tay che pháp luật” để tiếp tay cho đường dây cờ bạc quy mô chục nghìn tỷ đồng. Hàng loạt quan chức trong đó có 2 nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã bị khởi tố về hành vi tiếp tay cho Vũ “Nhôm” thâu tóm tài sản Nhà nước với giá rẻ. Thậm chí liên quan đến đối tượng này, nhiều cán bộ cấp cao của Bộ Công an cũng vừa bị khởi tố để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…
Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng mà cả hệ thống chính trị đang vào cuộc với hình ảnh “lò đã nóng thì củi khô hay củi tươi đều phải cháy” đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như sự nghiêm minh của pháp luật. Nhân dân càng thêm tin tưởng các cơ quan bảo vệ pháp luật khi hoàn toàn không có “vùng cấm” trong xử lý những vi phạm. Hơn thế nữa, một trong những giải pháp tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang được triển khai là tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, kết hợp sức mạnh của pháp luật với sức mạnh đạo đức, văn hóa và dư luận xã hội.
Trong một xu thế chung như vậy, dễ hiểu khi dư luận quan tâm đến nghi vấn về việc có người “đóng thế” để chạy tội, dù là tội nhỏ, thì cũng là chuyện lớn. Và chúng ta phải vững tin vào sự công minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật, công lý sẽ được bảo đảm.
Trần Ngọc Tú/TTXVN
Nhận xét
Đăng nhận xét