Vân An
Ngày 10/12 hàng năm được gọi là ngày Nhân quyền quốc tế. Ngày này được chọn là do vào ngày 10/12/1948 Liên Hợp Quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1966 là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Tuyên ngôn này đã đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về nhân quyền cũng như quyền tự quyết của mỗi dân tộc; đồng thời trở thành động lực thúc đẩy các nước phát triển trên các mặt kinh tế, pháp luật, văn hóa,… Việt Nam là một trong những nước đi đầu và bền bỉ trong thực hiện Tuyên ngôn – một giá trị vĩnh hằng mà các quốc gia đã cam kết và quyết tâm thực hiện vì cuộc sống đích thực của người dân.
Tuy nhiên, những năm qua, vấn đề nhân quyền luôn là một trong những vấn đề được xoáy sâu rất nhiều và có lẽ vẫn chưa đến hồi kết. Và người ta cho rằng có lẽ “vấn đề nhân quyền” ở Việt Nam không đơn giản nằm ở 2 chữ “nhân quyền” mà trên thực tế đó chỉ là cái cớ để những tổ chức cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Điển hình một số tổ chức như Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Theo dõi nhân quyền... thường ra báo cáo về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó nhiều lần tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên trên thực tế, không ít báo cáo của họ đã phản ánh sai lệch sự thật về các quốc gia mà các tổ chức này thiếu thiện chí. Trong những năm qua, Mỹ và Nghị viện châu Âu đã sử dụng các báo cáo về tình hình nhân quyền của nhiều nước khác để dựa vào đó tìm cách áp đặt, ra điều kiện, thậm chí can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các tổ chức và cá nhân có thái độ thiếu thiện chí với Việt Nam đã luôn câu kết với những phần tử xấu, cơ hội chính trị ở trong nước để xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam với những ý đồ chính trị nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Ngày nhân quyền quốc tế 10/12
Chúng ta hiểu rằng nhân quyền là những giá trị nhân văn và tiến bộ, nhưng cần biết rằng nhân quyền với những đặc thù riêng của từng dân tộc, từng quốc gia, sẽ được phát biểu theo những cách khác nhau miễn là vẫn đạt được những giá trị cơ bản và phổ quát. Vì thế không thể lấy mô hình của nước này áp dụng miễn cưỡng vào mô hình của nước kia.
Ở Việt Nam, nhân quyền luôn là những giá trị cơ bản được quan tâm và đảm bảo cao nhất. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân đã được xướng lên. Những quyền ấy, được ghi nhận, công nhận và bảo hộ bởi hiến pháp và pháp luật, xuyên suốt từ đó đến nay, các quyền cơ bản và bình đẳng của công dân luôn được đảm bảo và ngày càng nới mở, lãnh đạo tiến trình ấy không ai khác chính là Đảng Công Sản Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, dù phải dồn mọi nguồn lực cho kháng chiến cứu nước, nhưng các lĩnh vực lập pháp, tư pháp và hành pháp đều có những thành tựu vượt bậc.
Những cáo buộc về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, những yêu sách đòi phóng thích “tù nhân chính trị”.. đều là những chiêu trò của các tổ chức quốc tế nhằm động cơ chính trị. Thứ nhất, phải khẳng định rằng ở Việt Nam không có khái niệm “tù nhân chính trị”, chỉ có những tội phạm vi phạm pháp luật Việt Nam, việc Tòa án Việt Nam tuyên án và thi hành chế tài theo luật định đối với những công dân vi phạm pháp luật là câu chuyện nội bộ của Việt Nam, việc ngang ngược đòi phóng thích chính là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, điều này đi ngược với tình thần của hiến chương Liên Hợp Quốc. Thứ hai, ở Việt Nam thì quyền tự do ngôn luận được hiến định và luật định, không ai bị hạn chế quyền này, dĩ nhiên loại trừ trường hợp các phát ngôn gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của nhà nước, tập thể, cá nhân khác, không thể gọi việc bảo về quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể là “hạn chế quyền tự do ngôn luận được”. Cái gì cũng phải trong khuôn khổ và giới hạn được pháp luật quy định. Thứ ba, tự do tôn giáo không phải vấn đề của Việt Nam, ngược lại nó cần được nêu lên như một thành tựu mà không nhiều nước có được, thậm chí tự do tôn giáo ở Việt Nam đang có dấu hiệu rơi vào “tự do quá trớn” mà có lẽ tương lai gần pháp luật nên điều chỉnh.
Việt Nam đã có những chủ trương đúng đắn, bước đi thuyết phục làm cho thế giới hiểu về quan điểm nhân quyền của mình với những thành tựu được cộng đồng quốc tế thừa nhận và rằng Việt Nam có quyền tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc. Đó cũng chính là câu trả lời rõ ràng cho những tổ chức, cá nhân vẫn ấp ủ âm mưu lợi dụng nhân quyền chống lại Việt Nam./.
Nguồn: Người con đất mẹ
Nhận xét
Đăng nhận xét