Mới đây facebook đã đăng tải đoạn video clip dài khoảng 4 phút cảnh báo về một loại gạo giả với những đặc điểm như khi rang trong chảo nóng thì chuyển màu đen và bốc khói nghi ngút, khi đốt bằng bật lửa thì gạo bốc cháy như là cao su. Đoạn clip đã nhận được hàng ngàn lượt like và chia sẻ của cộng đồng mạng với nhiều bình luận bày tỏ sự hoang mang, lo ngại về chất lượng gạo. Thông tin này khi được đăng tải thực sự đã ngay lập tức gây hoang mang cho dư luận. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng tiến hành xác minh thì kết quả hoàn toàn khác, gạo không hề có chất cao su. Người dùng faebook này đã phải xóa bỏ bài đăng và chấp nhận mức phạt mười triệu đồng tại Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau.
Hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, một người dùng facebook khác tại Thanh Hóa cũng phải lĩnh án phạt năm triệu đồng vì hành vi tung tin đồn có hiện tượng bắt cóc trẻ em tại xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Lộc. Và thậm chí đầu tháng 4 năm ngoái, một đối tượng tại Đồng Nai đã bị bắt khẩn cấp để điều tra để đăng tải thông tin sai lệch về việc một học sinh lớp 4 bị sát hại tại trường mà chính quyền và nhà trường bưng bít thông tin.
Ngày 10/6/2017, Công an Quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, ngụ tại Quận Liên Chiểu) theo Điểm a, khoản 3, Điều 64 của Nghị định 174/NĐ-CP 2013. Sau khi ra quyết định xử phạt trên, cơ quan điều tra đã yêu cầu Nguyễn Thị Ngọc, Phạm Minh Trang và một số người dùng facebook đã chia sẻ bài viết về 2 vụ bắt cóc trên trang cá nhân của Ngọc, Trang nhanh chóng gỡ bỏ bài viết.
Nội dung tin được cho là bắt cóc do Phạm Minh Trang đăng tải lên FB cá nhân |
Theo số liệu của cơ quan An ninh mạng thì ước tính cứ 10 người dùng facebook thì có 6 người thường xuyên đọc được những tin tức giả mạo. Những đối tượng đăng tin giả thường nhằm mục đích câu like, câu view nhưng lại ít nghĩ đến hậu quả gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho người đọc. Xã hội có luật pháp. Những cơ quan công quyền có trách nhiệm điều tra đánh giá mức độ nguy hại của hành vi để kết tội. Chúng ta tin tưởng vào các cơ quan thực thi pháp luật đang làm đúng. Mức độ ảnh hưởng nhỏ có thể bị cảnh cáo, phạt hành chính. Quan trọng hơn vẫn là ý thức của người dân, cần tự nhận thức được hậu quả của việc đưa một thông tin không đúng lên mạng xã hội có ảnh hưởng ra sao và mỗi người dùng facebook phải biết chắt lọc thông tin, phải có cảm nhận đâu là thông tin đúng, thông tin sai./.
Nhận xét
Đăng nhận xét