Hải Phòng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, thống nhất quy mô, hình thức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện số 2, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Theo đó, qua khảo sát, lựa chọn phương án đầu tư, UBND TP Hải Phòng chọn phương án thiết kế cầu Tân Vũ – Lạch Huyện số 2 đặt về phía Bắc, song song với cầu Tân Vũ – Lạch Huyện hiện có.
Điểm đầu tại nút giao Tân Vũ (giao với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Km 100+891), điểm cuối tiếp giáp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Khi công trình hoàn thành và đi vào khai thác, toàn bộ xe tải, xe container sẽ đi qua cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hiện tại; xe khách, xe con, xe du lịch và xe máy, xe thô sơ sẽ đi qua cầu mới xây dựng.
UBND TP Hải Phòng cho biết, theo dự báo, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng dự kiến đến năm 2030 sẽ có công suất tối đa đạt khoảng 125 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Cát Bà trong những năm qua liên tục tăng, năm 2016 đạt 1,7 triệu lượt khách; năm 2017 đạt khoảng 2,4 triệu lượt khách. Dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch đến Cát Bà ước đạt 10,4 triệu lượt khách/năm….
Các số liệu về nhu cầu vận tải nêu trên đều vượt so với dự kiến của tiến trình đầu tư trước đây, chính vì vậy cần phải nghiên cứu đầu tư, sớm triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện số 2.
Thêm chú thích |
Dự án được chia thành 2 hợp phần, hợp phần 1 là phần đường dẫn hai đầu cầu được đầu tư theo hình thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Hợp phần 2 gồm cầu dẫn và cầu chính, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) trong đó, phần cầu chính dài 490m; khổ thông thuyền: 100x12m; kết cấu cầu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng.
Phần cầu dẫn có chiều dài 5.442,9m (phía quận Hải An dài 4.433,7m, phía huyện Cát Hải dài 519,2m); kết cấu dầm Super T khẩu độ 60m; chiều rộng mặt cắt ngang (phần cầu dẫn và cầu chính) là 32m (gồm 6 làn xe cơ giới và bổ sung thêm 2 làn đi riêng cho xe máy và xe thô sơ).
Công trình đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện số 2 được đầu tư xây dựng với mục tiêu là phương án dự phòng, điều tiết giao thông cho cây cầu hiện có khi bị ùn tắc, hoặc xảy ra tai nạn giao thông và các sự cố khác…
Hai bến khởi động số 1, 2 đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2018; các bến số 3, 4 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng nghiên cứu, đầu tư; các bến tiếp theo cũng đang được liên danh Tập đoàn Vingroup – Công ty CP và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị xây dựng.
Nhận xét
Đăng nhận xét