Ngày 08/08/1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/1995. Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009, về quản lý, sử dụng pháo. Mà theo đó, tại Điều 4, Nghị định này có quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
“1. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.
2. Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.
3. Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.
4. Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.”
Tuy nhiên, hàng năm nhất là vào gần dịp Tết nguyên đán thì tình hình tội phạm về pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng; các cơ quan chức năng thường xuyên bắt giữ, xử lý không ít những vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ pháo nổ nhưng nhiều người dân vẫn cố tình mua, sản xuất pháo nổ về sử dụng để rồi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe, thậm chí dẫn đến mất mạng, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Tùy theo tính chất, mức độ và số lượng mà người sản xuất, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc pháo, pháo mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Thời điểm ban hành Chỉ thị và Nghị định liên quan là khi đất nước còn kém phát triển, dân trí còn thấp mà pháo đốt tràn lan, tai nạn liên quan đến pháo càng nhiều. Hiện nay, đất nước đã khấm khá hơn về mọi mặt, dân trí cao hơn và đời sống vật chất cũng đủ đầy, cũng đến lúc cần phải nới dần cái cấm đoán một cách hợp lý và có kiểm soát, nhất là những thứ nó là đời sống tinh thần.
Sau hơn 25 năm, Nghị định 137/2020 vừa được ban hành ngày 27/11/2020 về quản lý và sử dụng pháo đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó có quy định cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong dịp Tết, ngày cưới, sinh nhật…
https://luatvietnam.vn/an-ninh-trat-tu/nghi-dinh-137-2020-nd-cp-quan-ly-su-dung-phao-194709-d1.html
Để có những cái nhìn chính xác nhất, tránh việc sử dụng pháo mà vi phạm pháp luật, Điều 17 Nghị định 137/2020 quy định các trường hợp được sử dụng pháo hoa là:
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.
2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo quy định nêu trên, người dân được sử dụng pháo hoa trong những dịp đặc biệt kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, người dân cần phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ.
Điều 3 của Nghị định này giải thích rất rõ về hai khái niệm này như sau:
Pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kinh trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, sự khác biệt lớn nhất của pháo hoa so với pháo hoa nổ là không gây ra tiếng nổ, tiếng rít.
Nói tóm lại, người dân chỉ được sử dụng pháo hoa – loại pháo không gây ra tiếng nổ - trong dịp tết, sinh nhật, khai trương, kỷ niệm. Và đặc biệt, chỉ được mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Người dân vui thôi chứ đừng vui quá. Hãy chọn đúng loại pháo mà sử dụng trong dịp tết, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc./.
Nhận xét
Đăng nhận xét