Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 9-1-2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở ngày 7-9-2020, dự kiến hôm nay (14-9), Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên ban đầu, tòa dự kiến tiến hành xét xử trong 10 ngày. Nhưng mới bước sang ngày thứ 4 thì toàn bộ các bị cáo đã nhận tội và xin được sự khoan hồng của pháp luật. Nhiều bị cáo đã nói rõ trước tòa, điển hình là bị cáo Lê Đình Doanh: “Trong thời gian nằm trong trại tạm giam đã nghĩ về hành động của mình và nhận ra lỗi lầm mà mình đã gây nên, do đó bị cáo thành tâm sám hối. Đề nghị các luật sư thôi không bào chữa cho bị cáo nữa...”. Đây là chuyện rất bình thường trong các vụ án, bởi sau những đêm nằm ngẫm nghĩ và khi được tòa phân tích thì các bị cáo đã nhận ra tội lỗi của mình, mong muốn sửa chữa, chuộc lại lỗi lầm, bỏ con đường tối, tìm về đường sáng.
Những thủ đoạn lợi dụng các vụ án để xuyên tạc hệ thống pháp luật của Việt Nam
Theo dõi vụ việc và vụ án này, chúng tôi nhận thấy, trong suốt thời gian diễn ra vụ việc cho đến khi vụ án xảy ra, một số cơ quan báo chí nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam và một số trang mạng xã hội được điều hành bởi một số người cơ hội chính trị, mang danh “đấu tranh cho dân chủ” đã đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc về tính chất vụ việc và vụ án. Họ cho rằng sự việc xảy ra rạng sáng 9-1-2020 là sự “đàn áp” của chính quyền đối với những người gọi là “nông dân” (vấn đề này chúng tôi sẽ nêu rõ trong các bài viết sau), rồi từ đó kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia điều tra, can thiệp, tác động... hòng chính trị hóa vụ án hình sự này nói riêng và các vụ án hình sự ở nước ta nói chung. Họ hy vọng với sự tham gia, can thiệp, tác động của một số tổ chức quốc tế tới chính quyền của một số nước thì có thể sẽ làm thay đổi hệ thống pháp luật và nền tư pháp, dẫn tới sự thay đổi về thể chế chính trị của Việt Nam.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án tại xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Cần phải khẳng định rằng, trong quá trình điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, các nghi can không hề bị “ép cung”, hay “mớm cung” như một số hãng tin, cơ quan báo chí nước ngoài và một số trang mạng thiếu thiện chí với Việt Nam đã rêu rao. Bởi trước khi phiên tòa chính thức diễn ra, trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội đã nêu rõ: “Trong quá trình điều tra, khi thẩm vấn các nghi can, các điều tra viên đã làm đúng quy định của pháp luật. Các cuộc thẩm vấn đều được ghi âm, ghi hình, có sự tham gia trực tiếp của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội (sau đây gọi là Viện Kiểm sát), luật sư bào chữa do các nghi can mời và luật sư do cơ quan chức năng chỉ định theo quy định của pháp luật...”. Thực tế khi ra tòa, cũng có một số bị cáo đã khai một số nội dung khác với bản luận tội của Viện Kiểm sát. Nhưng ngay buổi xét xử sau đó, chính họ đã tự đính chính lời khai của mình, thống nhất với bản luận tội của Viện Kiểm sát, bởi chính họ nhận ra việc khai khác đi là dối trá, không có cơ sở và hoàn toàn trái với thực tế, trái lương tâm.
Vậy thì tại sao một số cơ quan báo chí nước ngoài như RFA, RFI, BBC... và một số trang mạng vẫn cố tình xiên xẹo tính chất và bản chất vụ án? Đã từ nhiều năm nay, các cơ quan báo chí này thường xuyên đăng tải những bài viết sai sự thật về tình hình thực hiện quyền dân chủ và việc thực thi pháp luật ở Việt Nam. Họ thường đăng tải các bài viết có quan điểm trái chiều, rồi cuối bài viết bao giờ cũng kèm theo câu “bài viết thể hiện quan điểm cá nhân...”. Đọc lướt qua thì thấy, có vẻ đây là sự “dân chủ” kiểu như “chúng tôi đăng tải cả các bài viết tích cực và tiêu cực, cả bài viết đồng thuận và trái chiều”, để thể hiện sự “công bằng, minh bạch”.
Nhưng theo dõi kỹ sẽ thấy rõ, trong số các bài viết về tình hình thực thi dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam mà các cơ quan báo chí này đăng tải thì hầu hết là các bài viết có tính chất tiêu cực, võ đoán, phản ánh sai (hoặc cố tình hướng lái, cố tình phản ánh sai) sự thật tại Việt Nam. Sở dĩ nói thế là vì, các bài viết đều theo thiên hướng lấy một vài sự việc cá biệt để diễn giải, quy chụp nhằm ngụy tạo hệ thống, từ đó phủ nhận những thành quả mà Việt Nam đã và đang đạt được. Chẳng hạn trong lĩnh vực tư pháp và duy trì pháp luật ở Việt Nam, họ thường chỉ đăng tải bài viết của một số người được cho là đang “đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam”. Hầu hết bài viết của các tác giả này tập trung vào phân tích các vụ án có một vài sai sót trong quá trình điều tra, xét xử, rồi từ đó quy chụp, cho rằng hệ thống pháp luật của chúng ta “có vấn đề”, cho rằng nền tư pháp của chúng ta “chưa minh bạch”. Họ cố tình không hiểu rằng, trong số hàng chục nghìn vụ án do các cấp tòa xét xử mỗi năm, khó có thể “mười phân vẹn mười”. Nguyên nhân bắt nguồn cả từ sự khách quan và chủ quan. Về khách quan, có những vụ án thiếu nhân chứng cụ thể, hiện trường bị xáo trộn, phía bị hại hợp tác chưa đầy đủ... Về chủ quan, diễn biến vụ án nào cũng phức tạp, kẻ phạm pháp cơ bản là ngoan cố, quanh co, chối tội, vì vậy tạo ra lực cản cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Thế nên, đã có một số vụ án xét xử chưa đúng với diễn biến và tính chất vụ án, gây ra thiệt hại cho một số công dân như chúng ta đã thấy trong thực tế. Tuy nhiên các vụ án này đã được khắc phục, người bị oan đã được minh oan, các cá nhân gây nên sự việc đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Còn lại, hàng vạn vụ án đã được xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, công minh, công bằng, góp phần tích cực vào việc trấn áp tội phạm, duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống an toàn và lợi ích chính đáng của nhân dân, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa thượng tôn pháp luật, bảo đảm cho Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận của hệ thống pháp luật và nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Mưu mô đằng sau vỏ bọc “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”
Việc góp ý với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong thực thi dân chủ, nhân quyền là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân. Vấn đề này đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013 (thể hiện cụ thể từ Điều 14 đến Điều 49 của Hiến pháp) và trong Quy chế dân chủ ở cơ sở, cùng nhiều bộ luật khác. Trong thực tế, các quyền chính đáng của nhân dân như: Tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội, quyền được biết, được bàn... đều có thể thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, hầu hết người dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, tôn giáo... đều được tham gia trong các hội, hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo... mà mình thấy phù hợp. Họ được phát biểu chính kiến và bảo lưu chính kiến thông qua người/tổ chức đại diện của mình và các cơ quan chức năng, để ý kiến của mình được chuyển tới nơi cần đến. Có lần trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đã nói rằng: “Việc thực thi dân chủ của chúng ta ngày càng rộng rãi và công minh, công bằng và thực sự làm chuyển biến tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân...”. Còn đối với vụ án xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, ông Lê Đình Lưỡng, Bí thư Chi bộ thôn Hoành, khi trả lời các nhà báo cũng đã nói rõ: “Từ ngày những người gây rối bị cơ quan chức năng bắt giữ, thôn Hoành đã có cuộc sống yên bình trở lại. Không như trước đây, cuộc sống của bà con lúc nào cũng nơm nớp vì bị một số người trong “tổ đồng thuận” đe dọa...”. Như vậy, không thể nói “Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền” để đến nỗi một số người mang danh “hoạt động vì dân chủ” kêu gọi các tổ chức quốc tế vào cuộc hòng “cải cách nền tư pháp” của Việt Nam.
Theo cứ liệu của cơ quan chức năng, trong vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm đã thấy rõ dấu hiệu trục lợi trái pháp luật của một số người trong “tổ đồng thuận”. Nghĩa là họ cứ nghĩ rằng, nếu “đấu tranh” chiếm được đất quốc phòng ở Đồng Sênh thì có thể tự chia nhau để hưởng. Và họ đã cố tình hành động theo suy nghĩ ấy. Từ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại thôn Hoành, lại thấy thêm một số người khác muốn lợi dụng những người trong “tổ đồng thuận” để chiếm một phần lợi ích. Việc hứa “chia đất” của đối tượng Lê Đình Kình cho những người trong “tổ đồng thuận” và một số người khác, một phần dựa vào những cam kết có tính hậu thuẫn của một số người được cho là có hiểu biết nhất định về pháp luật. Vì thế, khi vụ án xảy ra, sự thật đã rõ mười mươi, nhưng một số đối tượng thuộc loại “cố đấm ăn xôi” vẫn cứ cố tình tập hợp những cứ liệu rời rạc, rồi chắp ghép, ngụy tạo ra những bản tin lòng vòng để đánh lừa dư luận. Tất cả những cuộc “phỏng vấn” của BBC, RFA, RFI... đối với một số người về vụ việc và vụ án xảy ra ở thôn Hoành, đã được, đăng/phát trên các trang của họ, đều thiếu tính thuyết phục. Bởi những nhân vật phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thậm chí còn không biết thôn Hoành ở đâu và chưa từng “thực mục sở thị” những gì đã diễn ra tại thôn Hoành cả trước, trong và sau sự việc diễn ra ngày 9-1-2020. Sự suy diễn và “đoán mò” của họ chỉ có thể lừa phỉnh trong chốc lát đối với những người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu khả năng phân tích, nhận định về những tiến bộ, đổi mới đang diễn ra ở Việt Nam.
Từ những hành vi và mưu mô của một số người được cho là đang “đấu tranh cho dân chủ” ở Việt Nam, có thể thấy, họ chỉ là những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của số ít người dân để kích động họ vướng vào vòng lao lý. Chúng ta đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, trong đó điều cơ bản và đầu tiên là toàn quyền xử lý các vấn đề có tính nội bộ của mình, thông qua hệ thống pháp luật đã được toàn dân thừa nhận và phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Uy tín, vị thế của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được củng cố, nâng cao bằng các hoạt động có trách nhiệm đối với các tổ chức, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Như vậy có thể thấy, Việt Nam xây nên và khẳng định vị thế, uy tín đối với thế giới bằng thực lực của chính mình. Do đó, mọi hành vi xuyên tạc của thế lực thù địch và cơ hội chính trị, hòng làm chuyển hóa hệ thống pháp luật, nền tư pháp và thể chế chính trị ở Việt Nam, đều là những hành động hão huyền, phi thực tế và không thể lừa phỉnh được ai.
TRẦN VŨ - QĐND
Nhận xét
Đăng nhận xét