Mưu đồ của Trung Quốc là biến thứ không phải của mình thành thứ tranh chấp, rồi biến thứ tranh chấp thành của riêng mình.
Không tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục có những hành động ngang ngược ở Biển Đông.
Sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam các năm 1956, 1974 và một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt các hoạt động sai trái, gây mất ổn định ở Biển Đông và khu vực, làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và khó lường hơn.
Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động cả dân sự và quân sự ở khu vực này. Có thể kể ra một số vụ việc điển hình gần đây nhất. Đó là năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu Hải Dương địa chất 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày.
Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Chưa hết, cuối năm 2019 đầu năm 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa.
Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: AMTI)
Trong khi nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia thì ngày 18/4, nước này lại có hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Quận Tây Sa" và "Quận Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Theo PGS, TS. Vũ Thanh Ca, Nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đây là điều không thể chấp nhận được.
PGS-TS Vũ Thanh Ca
PGS, TS. Vũ Thanh Ca cho rằng đây là một trong những bước đi của Trung Quốc để mà hiện thực hoá chiến lược chiếm trọn Biển Đông. Như ta biết, trước đây Trung Quốc tuyên bố cái gọi là "đường lưỡi bò" trên Biển Đông - thứ đã bị vô hiệu hoá bằng Phán quyết của Toà trọng tài vào năm 2016.
Sau đó Trung Quốc giao cho các học giả nghiên cứu để tìm ra những chiến thuật mới. Vào năm 2017, Trung Quốc bắt đầu hé lộ cái gọi là Tứ Sa, trong đó Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo bao gồm 4 hệ thống đảo. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc công bố yêu sách Tứ Sa, bằng quyết định hành chính là thành lập hai đơn vị đơn vị quản lý trên biển Đông, Trung Quốc thể chế hóa chiến lược Tứ Sa của mình.
"Đây là bước đi bài bản trong chiến lược để Trung Quốc dần độc chiếm Biển Đông", PGS, TS. Vũ Thanh Ca phân tích.
Vậy đằng sau quyết định hành chính mà Trung Quốc tuyên bố cho thấy điều gì? Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ - người có rất nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng chính sách gây căng thẳng bằng một cuộc “xâm lược mềm”, với mưu tính thâm sâu, được thực hiện theo từng bước để thăm dò và đánh giá mức độ phản ứng của các quốc gia xung quanh Biển Đông.
Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ (Ảnh: VTC News)
Cụ thể, tàu hải cảnh của họ tiến hành đâm va tàu cá Việt Nam để tạo tâm lý hoang mang cho những ngư dân đang làm ăn hòa bình trên biển. Ngay sau đó, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 được hộ tống bằng tàu hải cảnh tiến vào Biển Đông, di chuyển theo tàu khai thác dầu của Malaysia, tiến vào vùng biển của nước này. Sự việc tiếp tục được Trung Quốc đẩy lên với quyết định thành lập 2 đơn vị hành chính và đặt tên hàng chục các thực thể nhằm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam có chủ quyền.
"Đây là sự tính toán những mũi tiến công mà tôi nghĩ đây là những mũi tiến công của một cuộc “xâm lược mềm”, họ dùng các biện pháp này để từng bước từng bước hiện thực hoá yêu sách, đặc biệt trong phạm vi đường biển, đường biên giới mà họ mong muốn. Đấy là những âm mưu trên thực địa và họ đang lợi dụng tình hình để thực hiện điều sai trái. Và tôi nghĩ rằng với việc làm đó thì rõ ràng là vi phạm đến chủ quyền Việt Nam. Như vậy, chứng tỏ Trung Quốc bất chấp tất cả những quy định của luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế để họ triển khai bất kỳ hoạt động nào, miễn làm sao thực hiện được cái âm mưu độc chiếm biển Đông theo yêu sách đường lưỡi bò mà đã công bố, mặc dù đã bị quốc tế, khu vực và Tòa Trọng tài bác bỏ", Tiến sĩ Trần Công Trục nêu rõ.
Cùng chung quan điểm với Tiễn sĩ Trần Công Trục, Nhà nghiên cứu Hoàng Việt khẳng định, việc chính quyền Trung Quốc phê chuẩn lập hai khu hành chính, gồm Tây Sa (đặt chính quyền ở Phú Lâm) và Nam Sa (đặt chính quyền ở đá Chữ Thập), nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một việc làm sai trái, làm căng thẳng tình hình, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Mới đây nhất, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập chính quyền cấp khu Tây Sa và Nam Sa thì điều này cho thấy âm mưu muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc càng ngày càng lộ rõ và Trung Quốc không từ bất cứ một thủ đoạn nào, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hòa bình an ninh ổn định ở Biển Đông. Đặc biệt là khi ASEAN và Trung Quốc đang có giai đoạn tìm kiếm sự đối thoại cho việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để giảm thiểu bớt căng thẳng trên khu vực này. Với hành động này của Trung Quốc đã khiến cho môi trường hòa bình trên Biển Đông ngày càng có nguy cơ căng thẳng cao hơn", Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhấn mạnh.
Trung Quốc đã cùng các nước ASEAN ký vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Trong đó, Tuyên bố này yêu cầu các nước không được thay đổi hiện trạng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông. Với hoạt động xây dựng một cách mạnh mẽ ở các bãi cạn, biến những đảo chìm thành những căn cứ quân sự quy mô lớn, biến đảo chìm thành đảo nổi, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng DOC. Bất chấp Luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận và mối quan hệ với các nước trong khu vực, Trung Quốc đang tiếp tục những bước đi sai trái để độc chiếm Biển Đông.
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các bước đi dù đã được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng, song nó cũng mang đầy tính phiêu lưu, mạo hiểm bởi tham vọng của nước này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lợi ích của rất nhiều nước chứ không chỉ riêng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
"Bằng tất cả các hành vi mà Trung Quốc đã thực hiện từ trước đến nay, chúng ta có thể nhận diện rằng Trung Quốc ngày một xâm lấn mở rộng theo chiến lược của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc càng ngày càng lấn tới thì vùng biển của cộng đồng quốc tế - nơi để dành cho hoạt động hàng hải, hàng không sẽ bị thu hẹp lại và đương nhiên điều đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại quốc tế. Và dĩ nhiên Trung Quốc với hành vi ngày càng lấn tới, ngày càng ngang ngược, sẽ đặt các quốc gia trong khu vực vào một tâm thế cần phải phòng thủ, cần có những tuyên bố để chống lại hành vi bành trướng của Trung Quốc. Do vậy các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông chắc chắn ngày một thêm căng thẳng và phức tạp hơn", Tiến sĩ Ngô Hữu Phước nhận định.
Bước đi sai trái mới của Trung Quốc vẫn nhằm mưu đồ “nuốt trọn” Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình đã quá rõ ràng. Việc Trung Quốc liên tiếp hết lần này đến lần khác xâm phạm trái phép các đảo và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi sai trái nghiêm trọng, vi phạm công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Những việc làm ấy của Trung Quốc là vô giá trị và bị cộng đồng quốc tế phản đối. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế./.
Nguồn: Vov.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét